Saturday, March 19, 2011

CUỘC SĂN TÌM VÀNG TRẮNG LITHIUM TRÊN THẾ GIỚI

CUỘC SĂN TÌM VÀNG TRẮNG LITHIUM TRÊN THẾ GIỚI

Trong dãy núi Andes, những hồ nước mặn rộng mênh mông chứa đựng trữ lượng lithium quan trọng của thế giới. Dạng kim loại này cần thiết cho kỹ nghệ ôtô điện trong tương lai. Marcelo Romero, Giám đốc nhà máy của Ủy ban Quặng mỏ Bolivia (Comibol), chỉ tay về lớp vỏ muối trắng xóa trải dài ngút mắt và nói: "Dưới chân bạn là một kho tàng có một không hai trên thế giới. Đó là mỏ lithium lớn nhất được biết đến hiện nay!".



Đằng sau Marcelo Romero là máy bơm khổng lồ hút từ dưới lòng đất sâu lên thứ chất lỏng màu xám rồi trút vào một bể lọc to tướng. Romero nói tiếp: "Thứ nước muối này chứa nhiều quặng có giá trị, trong đó lithium được thu bằng cách cho bốc hơi trong bể này. Bắt đầu từ cuối năm 2011, chúng tôi sẽ sản xuất trong nhà máy thử nghiệm này những mẻ lithium đầu tiên".

Chúng ta đang ở độ cao 3.700m trong dãy Andes, trên hồ nước mặn Uyuni rộng 10.000m2 và được coi là lớn nhất thế giới. So với những hồ nước mặn khác ở Bolivia, hồ Uyuni chứa 100 triệu tấn lithium - tức 70% trữ lượng thế giới, hòa tan trong nước muối nằm dưới lớp vỏ muối. Mỏ của Uyuni đúng là của trời cho đối với Bolivia, quốc gia nhỏ bé ở miền trung Nam Mỹ có GDP thấp hơn Pháp 20 lần.

Lithium, kim loại nhẹ phản chiếu ánh bạc, vô cùng cần thiết cho sự phồn vinh của các quốc gia phát triển. Sau khi được chuyển thành lithium carbonate, nó được sử dụng trong pin điện, gọi là lithium-ion, trang bị cho các thiết bị điện tử của chúng ta như máy vi tính, điện thoại di động,... Thị trường hiện nay: 1,5 tỉ thiết bị trên thế giới!

Hơn thế nữa: lithium - với tiềm lực năng lượng mạnh - cũng được sử dụng trong công nghiệp chế tạo ôtô điện và là giải pháp tối ưu cho loại xe này. Người ta dự đoán đến năm 2030, số lượng ôtô điện sẽ vượt hẳn những ôtô sử dụng động cơ nhiệt. Trung Quốc tính toán đến năm 2020, nước họ sẽ sản xuất mỗi năm 1 triệu ôtô điện, đồng thời sẽ cho xây dựng 10 triệu bãi đậu xe được lắp đặt hệ thống nạp điện cho những bình điện lithium.



Trong năm nay nhà công nghiệp Pháp Vincent Bolloré sẽ đầu tư vào một nhà máy sản xuất bình điện sử dụng lithium với mục tiêu là 20.000 bình điện/năm. Do đó nhu cầu đối với lithium sẽ bùng nổ trong những năm sắp tới, và 1 tấn lithium carbonate sẽ có giá 5.000 đôla so với chưa đầy 1.000 đôla cách đây 5 năm. Đó là lý do mà từ nhiều năm nay, các nhà công nghiệp luôn để ý đến những quốc gia sở hữu nguồn kim loại nhẹ quý giá này, nhất là Bolivia.

Hiện nay hai tập đoàn Bolloré của Pháp và Mitsubishi của Nhật Bản đang thương lượng hợp tác với Bolivia khai thác lithium ở Uyuni. Về phía mình, chính quyền Bolivia không do dự đầu tư 17 triệu đôla xây dựng nhà máy thử nghiệm ở Uyuni với mục tiêu từ cuối năm 2011 trở đi sẽ sản xuất hàng tháng 40 tấn lithium carbonate.

Trong giai đoạn thứ 2, dự tính vào năm 2014, số tiền đầu tư sẽ lên đến gần 500 triệu đôla để đạt sản lượng 30.000 tấn/năm. Có lẽ đến lúc đó, Bolivia mới đồng ý cho những nhà đầu tư nước ngoài nhập cuộc, nhưng với quan điểm rõ ràng: "Chúng tôi cần những đối tác, chứ không cần những ông chủ!". Nhật Bản có lẽ là quốc gia có bước đi trước đáng kể bởi vì Tổng thống Morales đang tìm kiếm sự hỗ trợ với những hứa hẹn đầu tư 250 triệu đôla từ nước này. Tuy nhiên, người ta cũng có lý do để lo ngại về sự cân bằng hệ sinh thái mỏng manh của hồ nước mặn, nơi hàng năm thu hút 60.000 du khách tìm đến để chiêm ngưỡng hai giống chim hồng hạc địa phương.

Không chỉ có Bolivia đang háo hức với "vàng trắng" lithium, mà Chile cũng là quốc gia khai thác mạnh kim loại quý giá này. Chiếm 40% thị trường thế giới, Chile hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về lithium. Chắc chắn, trong tam giác vàng lithium - bao gồm

Argentina, Chile và Bolivia - sự đổ xô tìm vàng trắng của dãy Andes chỉ mới bắt đầu

AN DI

http://tapchingonluan.de/index.php?option=com_content&view=article&id=1063:k-ngh-i-sng&catid=38:khoahoc-kythuat&Itemid=63